27/03/2024 13:43
Xác định không thể tăng trưởng bằng mọi giá để đánh đổi môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Để thực hiện hiệu quả kế hoạch này, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển Khu kinh tế Dung Quất theo hướng khu kinh tế chuyên biệt, xanh, thông minh và phát triển bền vững.
.
Tăng trưởng xanh, thông minh và bền vững là mục tiêu mà Khu kinh tế Dung Quất đã và đang hướng đến. |
Khu Kinh tế Dung Quất với quy mô diện tích 45.332ha, là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực; trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, năng lượng, cơ khí, luyện kim và trung tâm logictics lớn của khu vực nhằm phát huy và khai thác hiệu quả cảng nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai; là đầu mối vận chuyển hàng hóa và giao thương quốc tế quan trọng trong khu vực miền trung, Tây Nguyên.
Bộc lộ những bất cập
Qua hơn 28 năm phát triển, Khu kinh tế Dung Quất đã thu hút 349 dự án còn hiệu lực, vốn đăng ký khoảng 18,4 tỷ USD (trong đó có 65 dự án FDI, vốn đăng ký khoảng 2,3 tỷ USD); vốn thực hiện đạt khoảng 12 tỷ USD. Hiện có 261 dự án đã đi vào hoạt động, đóng góp ngân sách hàng năm khoảng 1 tỷ USD (chiếm khoảng 80% tổng thu ngân sách tỉnh Quảng Ngãi), giải quyết việc làm cho khoảng 73.900 lao động.
Theo Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi Đàm Minh Lễ, từ những năm 2000, việc phát triển công nghiệp tại khu kinh tế theo mô hình khu công nghiệp truyền thống đã bộc lộ những bất cập như: quy hoạch chưa đồng bộ về hạ tầng, đặc biệt là khu xử lý nước thải tập trung; cộng đồng doanh nghiệp trong khu chưa gắn kết với nhau để tạo chuỗi sản xuất, cung ứng, tăng sức cạnh tranh.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hạt nhân tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi. |
Bản thân các doanh nghiệp hoạt động sản xuất theo hướng “thâm dụng năng lượng”, “thâm dụng đất đai, tài nguyên”, chủ yếu sản xuất thô xuất khẩu, các sản phẩm tạo ra với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và chất xám chưa cao, dẫn đến sức cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế và chưa tận dụng được những lợi thế của nhau để hỗ trợ cùng nhau phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Hơn nữa, trong quá trình sản xuất, nhiều phế phẩm chưa được tận dụng tái chế-tái sử dụng cho các dự án có liên quan, hay nói cách khác là kinh tế tuần hoàn chưa được phát triển.
VSIP Quảng Ngãi phát triển hạ tầng theo chuẩn mực khu công nghiệp chuyên nghiệp, xanh và thân thiện với môi trường. |
Đến năm 2012, Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi được thành lập với mô hình đầu tư và phát triển hạ tầng theo chuẩn mực của khu công nghiệp chuyên nghiệp, xanh và thân thiện với môi trường. Hạ tầng và các công trình công cộng được xây dựng đồng bộ trạm xử lý nước thải, trạm cứu hỏa và nhiều tiện ích để phục vụ cho nhu cầu thu hút các nhà đầu tư thuộc các ngành nghề có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, có tính liên kết trong sản xuất chuỗi giá trị và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, VSIP Quảng Ngãi còn phát triển khu dịch vụ hỗn hợp, nhiều tiện ích công cộng, đảm bảo không gian ở, sinh hoạt, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu về nhà ở, dịch vụ cho các doanh nghiệp và người lao động.
Tái cơ cấu công nghiệp theo hướng công nghiệp xanh
Từ thực tiễn trên, tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp theo hướng phát triển xanh, với định hướng hướng phát triển các khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghệ cao nhằm phát huy tối đa nguồn lực đất đai và lợi thế sẵn có để phát triển Khu Dung Quất trở thành kinh tế chuyên biệt, xanh, thông minh và phát triển bền vững.
Đồng thời, tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu; tiếp tục khai thác thế mạnh, tiềm năng sẵn có về các lĩnh vực công nghiệp nền tảng (với chủ lực là lọc hóa dầu, hóa chất, luyện kim và chế tạo cơ khí) và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực này theo chiều sâu, thân thiện với môi trường, mở rộng theo chuỗi giá trị; thu hút các dự án điện gió, sản xuất hydro xanh từng bước thay thế nhiên liệu hóa thạch.
Lĩnh vực công nghiệp nền tảng là tiềm năng, thế mạnh của Khu kinh tế Dung Quất. |
Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng xanh, có sức cạnh tranh cao, tạo bước đột phá để nâng cao năng suất, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng lớn. Ngoài ra, thu hút các ngành dịch vụ đa dạng, hiện đại, bền vững, từng bước đưa đưa Khu kinh tế Dung Quất trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, logistic, thương mại của vùng kinh tế trọng điểm miền trung; hình thành và phát triển các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ven biển, đảo, các khu vui chơi giải trí hiện đại, đẳng cấp mang tầm quốc tế, phát triển huyện đảo Lý Sơn gắn với bãi biển Bình Châu, Mỹ Khê trở thành trung tâm du lịch biển-đảo.
6 giải pháp tăng trưởng xanh
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi đã đưa ra 6 giải pháp cụ thể.
Một là, đã và đang lập, trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch phân khu xây dựng các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ. Theo đó, phân bố không gian phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ hợp lý; dành quỹ đất thích đáng để phát triển hệ thống cây xanh cảnh quan, cây xanh cách ly, hình thành các vùng đệm sinh thái giữa các khu công nghiệp, đô thị và khu du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị hệ sinh thái tự nhiên nhằm đảm bảo phát triển thuận tự nhiên, xanh và bền vững.
Quy hoạch phân khu tại Khu kinh tế Dung Quất sẽ dành quỹ đất thích đáng để phát triển hệ thống cây xanh cảnh quan và bảo tồn và phát huy giá trị hệ sinh thái tự nhiên nhằm bảo đảm phát triển thuận tự nhiên, xanh và bền vững. |
Hai là, xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư theo các ngành đã xác định, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển theo chiều sâu và mở rộng theo chuỗi giá trị dựa trên cơ sở các điều kiện và lợi thế của các ngành công nghiệp đang có nhằm từng bước điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Ba là, tập trung kêu gọi thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu, năng lực, kinh nghiệm để đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp đô thị-dịch vụ nhằm hướng đến thu hút các nhà đầu tư kết hợp các thiết kế nhà máy thông minh, tích hợp các công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo sản xuất hydro xanh để tạo ra một khu công nghiệp hoạt động với tác động tối thiểu tới môi trường; áp dụng hệ thống xử lý nước thải tiên tiến đảm bảo không có chất ô nhiễm, chất thải có hại thải ra môi trường.
Khu kinh tế Dung Quất là cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, logistic, thương mại của vùng kinh tế trọng điểm miền trung. |
Bốn là, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, cộng sinh công nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp; hỗ trợ các nhà đầu tư có cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; giữa khu công nghiệp và đô thị, giữa các khu công nghiệp . Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, thúc đẩy phát kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số.
Năm là, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu yếu tố đầu vào, đầu ra hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong khu kinh tế để tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin của tỉnh và quốc gia nhằm quản lý và giám sát chặt chẽ các nguồn phát thải ra môi trường; huy động nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, khu chức năng trong kinh tế; giám sát chặt chẽ việc thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế để giảm thiểu rủi ro trong quá trình thiết kế, thi công và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tiếp tục duy trì và phát triển hệ thống hệ thống cây xanh với tỷ lệ cao nhằm phát triển Khu kinh tế Dung Quất theo hướng xanh và bền vững.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang thị sát các phân khu chức năng của Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi. |
Sáu là, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đô thị gắn với sự kiện, lễ hội, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái biển; du lịch vui chơi giải trí cao cấp; kết hợp với du lịch tham quan, thưởng ngoạn cảnh quan biển đảo, công viên địa chất sẽ thực hiện liên kết, kết nối tour, tuyến tham quan các nhà máy, công ty, cơ sở sản xuất tiêu biểu trong các khu công nghiệp, khu kinh tế với các khu, điểm du lịch trên địa bàn trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu đến đông đảo du khách trong và ngoài nước về loại hình du lịch mới này.
“Đây là tiềm năng lớn thu hút khách du lịch “khám phá công nghiệp” thông qua trải nghiệm, tìm hiểu sâu hơn về các dây chuyền sản xuất hiện đại, được trải nghiệm trực tiếp quy trình sản xuất. Thông qua các hoạt động này, các doanh nghiệp sẽ ngày càng nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình để tiếp tục đầu tư cải tiến dây chuyền công nghệ, xây dựng môi trường làm việc hiệu quả, thân thiện, xanh, sạch, đẹp để tiếp tục thu hút, nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu và lợi ích mà ngành “du lịch công nghiệp” mang lại”, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi Đàm Minh Lễ nhấn mạnh.
HIỂN CỪ (https://nhandan.vn)
Đang truy cập: -
Tổng số lượt xem: -
Bản quyền thuộc về Ban Quản Lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi
Cơ quan chủ quản: Ban Quản Lý KKT Dung Quất Và các KCN Quảng Ngãi.