27/03/2024 13:43
Chiều 22-10, Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành HALAL Việt Nam”- đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất về Halal lần đầu tiên được tổ chức kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Halal.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và trực tuyến đến hàng trăm điểm cầu trong nước và quốc tế, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo UBND và các sở, ngành chức năng của 50 tỉnh, thành phố; đại diện của 50 nước, các tổ chức khu vực, quốc tế, các cơ quan quản lý Halal quốc tế, khu vực và các nước, cùng các doanh nghiệp quốc tế uy tín trong lĩnh vực Halal.
“Halal” là một thuật ngữ Arab có nghĩa "hợp pháp" hoặc “được phép dùng." Sản phẩm Halal là sản phẩm người Hồi giáo được phép ăn uống hoặc sử dụng. Nói một cách khác, người Hồi giáo chỉ sử dụng các sản phẩm Halal.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhận định, các sản phẩm và dịch vụ Halal ngày càng trở nên phổ biến trong những năm qua. Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ khắp thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo, từ các nền kinh tế phát triển đến đang phát triển.
Hội nghị Halal toàn quốc diễn ra trong bối cảnh thị trường Halal toàn cầu có tiềm năng phát triển lớn, quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu ước đạt 7.700 tỷ USD vào năm 2025, dự kiến tăng lên khoảng 10.000 tỷ USD năm 2028. Nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia Hồi giáo hiện đang tham gia tích cực vào thị trường Halal toàn cầu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên dự Hội nghị HALAL toàn quốc
Các sản phẩm Halal bao gồm hầu như tất cả sản phẩm thiết yếu của cuộc sống như thực phẩm, đồ uống, thực phẩm hữu cơ, thực phẩm chức năm, dược phẩm, mỹ phẩm, dệt may, thủ công mỹ nghệ đến lĩnh vực dịch vụ như: ngân hàng, du lịch, an ninh, giáo dục và đào tạo, dịch vụ ăn uống, khách sạn, logistics.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ khắp thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo, từ các nền kinh tế phát triển đến đang phát triển, do các sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe, chất lượng, xanh, sạch, có đạo đức trong chế biến và góp phần bảo vệ môi trường...
Phát biểu khai mạc Hội nghị
Việc tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu sẽ giúp khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng, tạo thêm động lực mới cho phát triển kinh tế bền vững của đất nước, qua đó hình thành nên một cấu phần mới, quan trọng của nền kinh tế, đó là hệ sinh thái Halal.
Hội nghị Halal toàn quốc với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam” được tổ chức nhằm xác định các khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất giải pháp đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thúc đẩy xây dựng, phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp và toàn diện.
Đại biểu chia sẻ tại Hội nghị
Bên cạnh đó, hội nghị cũng giúp nâng cao nhận thức của các quốc gia, tổ chức trong khu vực và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực Halal với Việt Nam; đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền về Halal cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân Việt Nam; tăng cường kết nối các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác tiềm năng của khu vực và quốc tế.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội nghị Halal toàn quốc lần này đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam nhằm phát triển ngành Halal, tận dụng lợi thế sẵn có và tăng cường hợp tác quốc tế để tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị
Việc tham gia hiệu quả, bài bản vào thị trường Halal toàn cầu sẽ giúp Việt Nam khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng, tạo thêm động lực mới cho phát triển kinh tế bền vững của đất nước.
Việt Nam luôn quan tâm, coi trọng phát triển ngành HALAL, coi HALAL là cơ hội vàng để hợp tác phát triển sản xuất trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam định hướng phát triển ngành HALAL trên cơ sở tôn trọng các giá trị văn hóa các dân tộc, tôn trọng quyền con người, tôn trọng hòa bình, bảo vệ độc lập, tự do mỗi quốc gia.
Đồng thời, xem hợp tác ngành Halal là một trong những trụ cột mới trong hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam ở hiện tại và tương lai. Việt Nam tin tưởng rằng sự phát triển của ngành HALAL sẽ ngày càng phát triển bền vững.
Trao thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp HALAL và các địa phương
Lam Uyên (https://quangngai.gov.vn)
Đang truy cập: -
Tổng số lượt xem: -
Bản quyền thuộc về Ban Quản Lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi
Cơ quan chủ quản: Ban Quản Lý KKT Dung Quất Và các KCN Quảng Ngãi.