27/03/2024 13:43
.
Ngày 04 tháng 5 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung
Theo đó, Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, năng động, hướng tới bền vững, mạnh về kinh tế biển, phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người của vùng đạt mức trung bình cao; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, có khả năng chống chịu cao với thiên tai và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn của cả nước, các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước CHDCND Lào; các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Để đạt được các mục tiêu trên, Quy hoạch đã đưa ra các phương hướng phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bổ nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng. Cụ thể:
- Phát triển tiểu vùng Bắc Trung Bộ (gồm 5 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị) thành khu vực tăng trưởng quan trọng về công nghiệp, dịch vụ, đô thị biển của vùng và cả nước, trong đó: thành phố Vinh là trung tâm kinh tế, văn hóa của tiểu vùng; Thanh Hóa là một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc.
- Phát triển Tiểu vùng Trung Trung Bộ (gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định) thành tiểu vùng động lực của vùng và là khu vực tăng trưởng quan trọng về công nghiệp, dịch vụ cao cấp, đô thị biển; là một trong những trung tâm giáo dục – đạo tạo, y tế chất lượng cao, khoa học – công nghệ của đất nước; khu vực tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.
- Phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ (gồm 4 tỉnh, thành phố: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận) trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng, dịch vụ du lịch, đô thị ven biền của cả nước.
Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung tập trung phát triển vùng động lực miền Trung (vùng động lực quốc gia) là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của vùng; phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc Nam, các hành lang kinh tế Đông – Tây nhằm kết nối hiệu quả các cảng biển, các Khu kinh tế, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị ven biển, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.
Cảng Dung Quất
Trong thời kỳ đến năm 2030, tiếp tục phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả thân thiện môi trường, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng và từng địa phương; chú trọng đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng, hiệu quả, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp đang hoạt động; Phát triển các Khu kinh tế ven biển theo hướng hình thành chức năng nòng cốt, chủ đạo, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội của địa phương, đảm bảo gắn kết chặt chẽ với mục tiêu phát triển cùng vùng. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào 11 khu kinh tế ven biển hiện có, trong đó ưu tiên tập trung các khu kinh tế có vai trò quan trọng, có tính động lực đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng:
- Xây dựng khu kinh tế Nghi Sơn trở thành "thành phố công nghiệp, thân thiện", trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất sau lọc hóa dầu; sản xuất xi măng và thép, cơ khí chế tạo;
- Phát triển khu kinh tế Vũng Án tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và Khu liên hiệp luyện gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh làm hạt nhân;
- Đầu tư phát triển khu kinh tế Dung Quất tập trung vào công nghiệp lọc – hóa dầu – hóa chất, công nghiệp cơ khí, đóng và sửa chữa tàu biển, luyện cán thép, sản xuất xi măng, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.
- Phát triển khu kinh tế Nhơn Hội trở thành khu vực phát triển mạnh mẽ về kinh tế biển, trung tâm du lịch lớn, thu hút phát triển các ngành mũi nhọn: công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI), du lịch chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống logistic gắn với cảng biển, cảng hàng không.
Lương Thị Hạ Trang
Đang truy cập: -
Tổng số lượt xem: -
Bản quyền thuộc về Ban Quản Lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi
Cơ quan chủ quản: Ban Quản Lý KKT Dung Quất Và các KCN Quảng Ngãi.